87 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (01/8/1930 - 01/8/2017)

       Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng được đặt lên hàng đầu nhằm tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu Đảng, tin Đảng và đi theo con đường cách mạng vô sản của Đảng để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Từ yêu cầu đó, Đảng ta thành lập Ban Cổ động - Tuyên truyền để tuyên truyền, vận động, tập hợp các lực lượng trí thức, công nhân, nông dân yêu nước đứng lên theo Đảng đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. 

       Đặc biệt, nhân kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc (1/8/1930), Ban Cổ động- Tuyên truyền của Đảng đã phát hành tài liệu "Ngày Quốc tế đỏ 1/8". Tài liệu phát hành đã khơi dậy lòng yêu nước của đông đảo nhân dân đứng lên đi theo tiếng gọi của Đảng. Xuất phát từ ý nghĩa chính trị to lớn và sự khẳng định công tác Tuyên giáo có tầm quan trọng đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

       Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác Tuyên giáo là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Đảng. Từ người lãnh đạo cao nhất đến từng đảng viên đều phải trực tiếp làm công tác tuyên giáo. Những người hoạt động trên lĩnh vực công tác tuyên giáo dù hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, ở vùng địch tạm chiếm hay vùng tự do, trong nhà tù của địch hay trực tiếp chiến đấu với quân thù... đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân, đã vượt qua gian khổ, hy sinh, gắn bó máu thịt với nhân dân, kiên trì tuyên truyền giáo dục, làm khơi dậy và nhân lên sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, khí phách quật cường, anh hùng cách mạng của cha ông ta. Nhờ đó, đã tạo sức mạnh làm nên những thắng lợi mang tầm vóc lịch sử của đất nước, của dân tộc. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống xâm lược bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, Công tác Tuyên giáo đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và tình hình thế giới; phối hợp và huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; tổ chức nắm bắt kịp thời tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân; đánh giá, dự báo xu thế phát triển của tình hình các mặt để triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục linh hoạt, phù hợp, nên đã góp phần tạo sự nhất trí cao về tư tưởng, quyết tâm và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước để đánh thắng các âm mưu, hành động xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

       Đối với Bình Thuận, Ban Tuyên huấn tỉnh thành lập vào tháng 9/1949, thực hiện các nhiệm vụ như: tuyên truyền, văn nghệ, báo chí, giáo dục, huấn học… Trong quá trình hoạt động, những người làm Công tác Tuyên giáo của tỉnh đã vượt qua gian khổ, hy sinh, tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để tuyên truyền giáo dục, tập hợp nhân dân tỉnh Bình Thuận đứng lên cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước đánh thắng hai tên đế quốc, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong sự khắc nghiệt, ác liệt của chiến tranh, biết bao cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực Công tác Tuyên giáo của Đảng, từ tỉnh đến cơ sở, từ cơ quan tuyên huấn đến các văn nghệ sĩ, các đội viên đội thông tin, văn công, chiếu bóng,.. đã hy sinh anh dũng vì nhiệm vụ vẻ vang của ngành.

       Chiến thắng mùa xuân 1975 kết thúc chiến tranh, đất nước độc lập, thống nhất, đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực công tác Tuyên giáo lại tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh tuyên truyền, giáo duc, động viên quân và dân tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, đưa Bình Thuận ngày càng phát triển. Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo và sau khi chia tách tỉnh (4/1992), mặc dù điều kiện phát triển của tỉnh Bình Thuận còn nhiều khó khăn so với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng với sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, đã đưa kinh tế tỉnh nhà liên tục tăng trưởng, riêng năm 2016, GRDP tăng 7,4%, 6 tháng đầu năm 2017 tăng 6,68%; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, phúc lợi và an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững; đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện; bộ mặt đô thị và nông thôn, cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục khởi sắc… Những thành tựu đạt được của Bình Thuận có phần đóng góp quan trọng của Công tác Tuyên giáo.

       Hiện nay, trong quá trình chuyển kinh tế đất nước theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế… bên cạnh những “Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn” thì “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…”[[1]]. Trong khi đó, công tác tuyên giáo còn thiếu tính thuyết phục; công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí” do đó “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”. Vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ Công tác Tuyên giáo trong tình hình mới, cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, công tác khoa giáo và công tác lịch sử Đảng; chủ động nắm bắt và góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc, những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, gắn với đấu tranh có hiệu quả với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch… Qua đó, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, văn hóa của Đảng, bảo đảm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh thống nhất về tư tưởng, hành động, đoàn kết thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

        87 năm qua, từ tên gọi là Ban Cổ động - Tuyên truyền được thành lập sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến nay ngành Tuyên giáo đã đổi qua nhiều tên gọi, nhưng chức năng tham mưu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng thì vẫn luôn thống nhất và xuyên suốt. Ngành Tuyên giáo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,vai trò hạt nhân trong công tác tư tưởng, văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.  Tự hào về truyền thống của ngành, đội ngũ những người làm Công tác Tuyên giáo càng phải xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyết tâm rèn luyện nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn,… để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuy nặng nề nhưng vẻ vang của ngành để góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 


[[1]] Đánh giá của Đảng trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII


Các tin khác