Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2012) Đoàn vận tải H.50, Quân khu VI: “Còn cái lai quần cũng đi tải”

  • /
  • 30.10.2012 - 10:10

Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta là cuộc chiến kéo dài đầy gian khổ, ác liệt và hy sinh. Mỗi vùng miền của Tổ quốc, nơi nào cũng còn lưu giữ những chiến tích huyền thoại về một thời oai hùng đó và Đoàn vận tải H50, Quân khu 6 là một trong những điển hình về một thời không thể nào quên (Quân khu 6 gồm các tỉnh: Quảng Đức, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy).

                 Đoàn vận tải H.50 ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên đang đòi hỏi về vũ khí đạn dược. Đoàn thành lập vào tháng 4 năm 1967, anh chị em đến với Đoàn H.50 với tuổi đời mười tám, đôi mươi, đông nhất là chị em ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Nếu như trong chiến tranh chống Pháp ở Tây Bắc, có đoàn quân Tây Tiến “Không mọc tóc” thì trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn vận tải H.50, Quân khu 6 cũng có đội quân nữ “Không mọc tóc”. Tám năm ròng đi tải đạn bằng sức người, có khi đi cả ngày lẫn đêm và thường xuyên bị địch chặn đánh, họ đi trong bom đạn, mưa rừng thác lũ, đói rét bệnh tật để chuyển từng khẩu súng, viên đạn ra chiến trường. H.50 là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi sự chi viện của Trung ương từ Bắc vào và Trung ương cục miền Nam, nhằm vận tải hàng hóa đến những đơn vị trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường gồm các tỉnh (Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức). Ngoài việc vận tải hàng chiến lược, Đoàn còn có nhiệm vụ bám giữ hành lang nối liền Quân khu và Miền, liên hệ chặt chẽ đường dây Bắc-Nam, đưa các đoàn khách qua lại, sẳn sàng chiến đấu và nhận nhiệm vụ khi quân khu cần. Tuyến đường vận tải bắt đầu từ biên giới Việt Nam, Campuchia - Trục đường Trường Sơn đến Nam đường 20 (Bình Thuận) và căn cứ tỉnh Tuyên Đức-Lâm Đồng dài khoảng 350km, có nhiều núi cao từ 500 đến 1000m. Đây là địa bàn nằm giữa và nối liền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và miền Trung Trung bộ, và cũng là cửa ngõ hướng tiến công chính của ta vào Sài Gòn (sào huyệt của kẻ thù) từ phía đông và đông bắc, nên có vị trí chiến lược rất quan trọng. Là chiến trường với đại bộ phận là rừng núi, đất rộng, dân thưa, đồng bằng thì nhỏ hẹp, kinh tế còn mang tính chất tự cung, tự cấp, giao thông và điều kiện cơ động còn hạn chế, lực lượng cách mạng còn yếu, đại bộ phận là vùng sâu…Ngay từ ngày đầu thành lập, Đoàn tập trung phục vụ đợt tổng tấn công Xuân Mậu Thân năm 1968, giai đoạn này chủ yếu là bộ đội và cơ quan dân chính Khu ủy, sau đó tăng cường bộ đội địa phương trong Quân khu các cơ quan dân sự và một số dân công vùng giải phóng - vùng căn cứ - dân tộc thiểu số. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Quân khu, Đoàn đã vận động anh chị em ở lại phục vụ lâu dài và đến cuối năm 1968, tổ chức thành Tiểu đoàn vận tải trực thuộc Quân khu 6. Năm 1969, quân số lên đến gần 1.000 người đa số là nữ; có 3 cơ quan đoàn bộ, 8 đại đội vận tải, 1 đại đội bảo vệ đường 20, 1 phân đội bảo vệ đường 14, 1 phân đội công binh và lực lượng kho vận chốt giữ ở 61 vị trí với 200 kho lớn nhỏ. Qua phong trào thi đua cải tiến kỷ thuật mang vác, giữa năm 1971 nhiều chị em đưa trọng lượng mang vác của mình lên 60-70kg, nhiều người mang đến 100kg, cá biệt có người mang khoảng 120kg.

 Đầu năm 1970, theo yêu cầu của nhiệm vụ, phần lớn nam giới được điều về chiến trường bổ sung lực lượng chiến đấu, một số cán bộ nữ được cử đi học y tá, cứu thương sau đó về Khu 10-Khu 6 làm cán bộ phong trào. Qua hơn 8 năm (4/1967-6/1975), Đoàn đã đáp ứng yêu cầu của chiến trường, đặc biệt là các giai đoạn lịch sử: Xuân Mậu Thân năm 1968; Mỹ rút quân năm 1971 và cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Có thể nói, những chiến thắng trên chiến trường cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên có sự đóng góp đáng kể của Đoàn vận tải H.50, Quân khu 6. Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn vận tải H.50 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực Lực lượng vũ trang nhân dân”. Chiến trường cực Nam Trung bộ-Nam Tây Nguyên xa sự chỉ đạo của Trung ương và Trung ương cục miền Nam, nhưng quân và dân Khu 6 luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ“Tự lực tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẽ vang”. Nói về sự chịu đựng gian khổ ở Khu 6 không thể không nói đến Đoàn H.50. Trong hồi ký “Vùng đất kiên trung” của ông Lê Văn Hiền, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chính ủy thứ nhất, Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu 6, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận) viết: “Trong những tấm gương chịu đựng gian khổ trên chiến trường Khu 6, đơn vị chuyển tải H.50 là một hình ảnh rất đẹp. Đơn vị này phần lớn là nữ, có nhiều anh chị em là người dân tộc thiểu số, với đôi vai và đôi chân, với phương tiện thô sơ, các đồng chí mang và gùi hàng chục ngàn tấn vũ  khí đạn dược. Từ trục đường Trường Sơn đến khắp các địa bàn trong khu, anh chị em âm thầm lặng lẽ làm công việc của mình, không chỉ chịu đựng vất vã gian khổ mà còn phải chiến đấu với địch trên suốt tuyến hành lang: Chiến đấu bảo vệ các kho vũ khí, đưa đón cán bộ, chiến sỹ một cách an toàn nhất, bảo vệ buôn làng cho đồng bào dân tộc. Chiến công của họ xứng đáng được ghi lại trong trang sử vẽ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Khu 6”.  Từ năm 1969 đến tháng 4/1975, nhiều anh chị em đạt danh hiệu dũng sĩ, trong số đó có chị Võ Thị Túc, đơn vị C5, đến nay còn lưu giữ 54 giấy chứng nhận dũng sĩ; chị Ung Thị Hòa có 12 lần đạt danh hiệu dũng sĩ; chị Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Nguyệt, Lê Thị Thính, Nguyễn Thị Cúc…và nhiều chị không dưới 50 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng. Họ chiến đấu với tinh thần: “Cung đoạn là chiến trường-Vũ khí là hàng hóa-Năng suất là chiến công”. Chiến trường cần súng đạn để tiêu diệt kẻ thù, những chiến sĩ Đoàn H50 đã không tiếc xương máu, có người đã nói: “Có chết cũng mang, bồng hàng trên vai, mặt hướng về chiến trường mà chết” hay “Còn cái lai quần cũng đi tải”. Từ cuối năm 1969 đến tháng 3 năm 1971, hơn 100 anh chị em vĩnh viễn đã nằm lại tuyến đường này.

            Vượt lên gian khổ, hiến trọn tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước, họ đứng vững cho mãi đến ngày chiến thắng. Sau 30/4/1975, nhiệm vụ vận tải bằng sức người không còn, H50 giải thể, nhiều chị tuổi đã ngoài 30, không ít người thôi thiên chức làm mẹ, làm vợ, có trường hợp con sinh ra ốm đau, tật nguyền; có người, cái khổ cái nghèo cứ đeo bám họ đến tận bay giờ…Trong 8 năm cùng sống, công tác chiến đấu, đồng cam cộng khổ, gắn bó yêu thương động viên cùng nhau vượt qua gian nan, ác liệt của cuộc chiến, những người còn sống khi mỗi lần gặp lại thì tình đồng chí, đồng đội vẫn như ngày nào, mãi mãi không thể nào quên.

                                                      Thái Sơn

        (Theo Hồi ký của đ/c Văn Công An, nguyên lãnh đạo Đoàn H50)


  • |
  • 1235
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT