Kết quả bước đầu triển khai cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • /
  • 30.10.2012 - 10:16

Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu thành lập Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh với đại diện nhiều ban, ngành, sở của địa phương và cơ quan thường trực Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đặt tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

             Ban Tổ chức cuộc thi đã họp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cuộc thi. Thể lệ cuộc thi được đăng tải rộng rãi trên Báo Bình Thuận, Tập thông tin Công tác Tuyên giáo, website Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều kênh thông tin tiếp cận cuộc thi.  

Ở các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận, đoàn thể đều triển khai cuộc thi, giới thiệu tài liệu tham khảo đến cơ sở. Các đơn vị như Huyện ủy Đức Linh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh… rất tích cực phối hợp với Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh trong quá trình diễn ra cuộc thi. Một số đơn vị dự thi theo ngành dọc như Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai cuộc thi, thu nhận và chấm bài gửi về cấp trên theo quy định.

Từ ngày phát động cho đến khi kết thúc cuộc thi, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã tích cực nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu và viết bài tham gia, cũng như thi trắc nghiệm trên mạng internet. Các cấp ủy trực thuộc, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Sở Giáo dục và đào tạo là những nơi trực tiếp nhận bài dự thi, sau đó tổng hợp số lượng, gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh. Qua hơn ba tháng phát động, có 9.487 bài thi viết của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tham dự cuộc thi; trong đó, các đơn vị dự thi theo ngành dọc như Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh có 1.260 bài. Trong lượng bài dự thi gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, ngành Giáo dục chiếm khá đông về số lượng, lẫn chất lượng bài thi, thể hiện qua 90% giải thưởng chính thức thuộc về lực lượng giáo viên, học sinh.

Có thể nhận thấy, cuộc thi đã tác động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các bài dự thi vào vòng chung khảo đảm bảo được một số yêu cầu như: không vi phạm thể lệ cuộc thi (bài viết về 1 chủ đề, không quá 4000 từ); nội dung có ý tưởng, đạt chất lượng so với đề cương hướng dẫn; trình bày đẹp, có sự đầu tư của tác giả; sáng tạo trong cách thể hiện… Từ tổng số bài thi viết, qua ba vòng chấm sơ khảo, chung khảo và xếp hạng, Ban giám khảo chọn ra được 9 giải cá nhân (1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 5 giải khuyến khích) và một số giải tập thể; đồng thời, cũng chọn được 18 bài xuất sắc gửi dự thi cấp Trung ương. Lễ tổng kết trao giải cuộc thi cấp tỉnh dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11/2012.

Nhìn chung, cuộc thi diễn ra thành công, đạt được kết quả, tạo được sự quan tâm và tham gia của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Thuận, đáp ứng việc tuyên truyền rộng rãi mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào trong quá khứ và hiện tại. Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành cuộc thi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình diễn ra cuộc thi. Ban Giám khảo cuộc thi đã thực hiện nhiệm vụ một cách nổ lực, cẩn thận, khoa học và công tâm trong chấm điểm bài dự thi.

Bên cạnh những thành công đạt được, Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cũng còn một số hạn chế như: số lượng người tham gia dự thi chưa nhiều; còn một số lực lượng rất lớn học sinh, sinh viên chưa được huy động tham gia cuộc thi; cuộc thi trắc nghiệm hàng tuần trên mạng internet, tuy có tham gia nhưng chưa đạt kết quả cao; vẫn còn nhiều bài thi chưa tuân thủ theo Thể lệ cuộc thi đã ban hành, bài viết không theo chủ đề, hoặc quá dài dòng, lạc đề, một số bài viết còn sao chép, tải và in nguyên văn tài liệu trên mạng internet nộp bài..

Những hạn chế trên đây là do một vài nguyên nhân:

Một là, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, chưa có sự chỉ đạo, hướng dẫn một cách cụ thể sâu sát đến đối tượng tham gia dự thi (như Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi). 

Hai là, công tác tuyên truyền chưa được triển khai một cách tích cực; ở tỉnh không tổ chức được lễ phát động; Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận chưa đưa tin, phản ánh nhiều về thể lệ cuộc thi, cũng như nắm bắt tin tức phục vụ tuyên truyền trong quá trình diễn ra cuộc thi. 

Ba là, thời gian Trung ương phát động cuộc thi từ tháng 4, đến tới cơ sở vào tháng 5, đúng vào dịp các trường học chuẩn bị kết thúc năm học, học sinh nghỉ hè; khi cuộc thi đến giai đoạn gần kết thúc lại vào thời gian đầu năm học, vì vậy, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia còn thấp. 

Bốn là, công tác kiểm tra, đôn đốc trực tiếp còn thiếu tính kịp thời.

 

                 Thành Tài


  • |
  • 852
  • |

Các tin khác