Công tác thi đua-khen thưởng của tỉnh qua một năm triển khai

  • /
  • 11.4.2012 - 16:54

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi đua-khen thưởng năm 2011, các sở, ngành, các huyện, thị, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đồng thời tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua với các cơ quan, đơn vị trong ngành, từng địa phương.

                Đã có 10/10/huyện, thị xã, thành phố, 96% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, 13/13 cụm, khối thi đua thuộc tỉnh đã có bảng đăng ký thi đua theo quy định. Nội dung thi đua tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương mà dư luận quan tâm cần tập trung giải quyết để đưa vào nội dung, tiêu chí thi đua. Các phong trào thi đua điển hình được duy trì nhiều năm và trong năm 2011 như: phong trào thi đua xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; phong trào đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phong trào thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như: mô hình xây dựng công trình giao thông nông thôn, “Điểm sáng hai không”: không rác, không tệ nạn xã hội, mô hình “Xây dựng tổ thuyền đoàn kết sản xuất an toàn trên biển”…

            Nhìn chung, công tác thi đua-khen thưởng trong năm qua tiếp tục đi vào nề nếp và từng bước nâng cao chất lượng khen thưởng nên đã có tác dụng tích cực; kích thích các phong trào thi đua, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân lao động phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ dược giao, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Căn cứ kết quả của phong trào thi đua yêu nước, các ngành, các cấp, các địa phương đã khen thưởng và biểu dương nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến; được Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành trung ương khen thưởng với 47 Huân chương lao động các hạng do Chủ tịch nước tặng; 08 Cờ thi đua, 107 Bằng khen, 01 danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ tặng; 41 Cờ thi đua cho các tập thể, 1.738 Bằng khen, 570 danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, 46 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh tặng. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân qua phong trào thi đua đã được các Bộ, ngành Trung ương tặng cờ và bằng khen; các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các cấp tặng hàng nghìn giấy khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến.

Tuy nhiên, công tác thi đua-khen thưởng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian đến, đó là: vẫn còn một số lãnh đạo và tổ chức ở cơ sở chưa quan tâm và nhận thức đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua-khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Một số nơi, lãnh đạo giao khoán cho cán bộ làm công tác thi đua-khen thưởng hoặc giao cho cán bộ làm kiêm nhiệm quá nhiều việc trong đó có thi đua, khen thưởng, dẫn đến chất lượng tham mưu, theo dõi phong trào thi đua còn yếu. Phong trào thi đua ở một số nơi chưa mạnh, tổ chức phát động thi đua vẫn còn mang tính hình thức, nội dung còn chung chung, chưa khơi dậy được tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Việc đề nghị khen thưởng còn nể nang, dễ dãi, thành tích chưa tương xứng với khen thưởng; số lượng khen thưởng người trực tiếp lao động sản xuất, khen người tốt, việc tốt trong nhân dân vẫn còn ít. Việc phát hiện bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến, mô hình mới còn lúng túng nhất là ở cơ sở. Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp vừa thiếu, vừa yếu, lại thường xuyên thay đổi, biến động, ít được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng, nên việc vận dụng chế độ chính sách, việc tham mưu cho lãnh đạo còn nhiều yếu kém, bất cập.

Để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất và nề nếp, có thể rút ra một số kinh nghiệm và bài học, đó là: Sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với mặt trận, đoàn thể trong việc tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước là nhân tố quyết định thắng lợi và thành công của phong trào thi đua. Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt sâu kỷ các văn bản luật, nghị định, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức lao động và nhân dân để nắm được về ý nghĩa tầm quan trọng của việc thi đua ái quốc, của phong trào thi đua trong sự nghiệp CNH-HĐH trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua phải chuẩn bị kỷ về nội dung, tiêu chí, bám sát vào nhiệm vụ chính trị được giao, sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời, tiến hành sơ, tổng kết theo từng chuyên đề, nội dung đã phát động; khen thưởng phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời, đúng thành tích, tránh chạy theo thành tích. Thường xuyên làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền học tập, tôn vinh khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, mô hình mới, cách làm hay nhằm khơi dậy lòng tự hào, tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người, mọi nhà hăng hái phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp.

                                                                                    Minh Nhựt


  • |
  • 798
  • |

Các tin khác