Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X)

  • /
  • 13.4.2012 - 13:58

Sau khi có Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) ban hành Kết luận số 67-KL/TU, ngày 21/5/2009 chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 10/10 huyện, thị, thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện chỉ thị và chỉ đạo tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Chỉ thị 11-CT/TW đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.   

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Thông qua phong trào quy mô giáo dục của tỉnh tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đội ngũ giáo viên từng bước được nâng cao trình độ chuyên môn; công tác quản lý, phương pháp giảng dạy không ngừng được đổi mới. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, hiệu quả ngày càng nâng lên. Công tác PCGD tiếp tục được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã có 127/127 xã, phường, thị trấn và 10/10 huyện, thị, thành phố duy trì chuẩn quốc gia về PCGDTH đúng độ tuổi và PCGD trung học cơ sở.

            Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” được đẩy mạnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với hội khuyến học tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Gia đình hiếu học” lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn (khu phố) văn hóa…Nhờ đó, số hộ đăng ký thực hiện “Gia đình hiếu học” hàng năm đều tăng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 70.000 hộ đăng ký “Gia đình hiếu học”, chiếm khoảng 30% tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 66 chi hội “Dòng họ hiếu học” có quy chế hoạt động, gắn nội dung khuyến học, khuyến tài với việc giữ gìn phát huy truyền thống gia đình, dòng tộc.

            Thường trực Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với UBND của 8/10 huyện, thị, thành phố tổ chức tọa đàm về xây dựng mô hình TTHTCĐ. Cho đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã thành lập TTHTCĐ. Một số  TTHTCĐ tổ chức được nhiều lớp học tập: Hàm Thuận Bắc (675 lớp), Hàm Thuận Nam (601 lớp), Đức Linh (493 lớp), Phú Quý (66 lớp). Kết quả phân loại có 14,9% TTHTCĐ hoạt động đạt loại tốt, 44% đạt loại khá, 39,37% đạt loại trung bình và 1,57% đạt loại yếu kém; có 17 TTHTCĐ đạt loại tốt, khá đã tổ chức lớp học tập và thu học phí được 110 triệu đồng.

Có thể nói rằng, để đạt được các kết quả nêu trên là do các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và phát triển TTHTCĐ; các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ, giải pháp cũng như việc đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập được chú ý đẩy mạnh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị vẫn còn nhiều khuyết điểm và hạn chế như: kết quả thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa đều, chưa thật sự vững chắc. Một số nơi chưa coi trọng công tác củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của hội khuyến học và phát triển hội viên; tổ chức sinh hoạt và thu hội phí chưa thường xuyên; việc phát triển tổ chức hội trong cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp… còn chậm, xây dựng quỹ hội nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” còn ở phạm vi hẹp, bước đầu chỉ tập chung ở những nơi có cơ sở hội hoạt động khá. Công tác khuyến học chưa quan tâm nhiều đến việc tham gia động viên các em trong độ tuổi đến trường, chậm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học dỡ chừng. Chất lượng giáo dục toàn diện chưa đều giữa các vùng.

             Nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nên chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị. Một số nơi tuy có chỉ đạo triển khai nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Một số tổ chức hội khuyến học, nhất là ở cơ sở chưa năng động, sáng tạo, chưa làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền.

            Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được phát triển mạnh mẽ và toàn diện chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Chỉ thị. Tiếp tục mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường, xây dựng gia đình hiếu học, cộng đồng, dòng họ, cơ quan, đơn vị, thôn, khu phố khuyến học. Đặc biệt, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ khuyến học các cấp. Đồng thời, cần chăm lo tập huấn, bồi dưỡng nâng chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ hội các cấp.

                                                                                    Lê Thị Phương


  • |
  • 796
  • |

Các tin khác