Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế đáng quan tâm, cụ thể là: Hầu hết các doanh nghiệp đều có qui mô nhỏ. Số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đi vào hoạt động chưa nhiều. Số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể vẫn còn diễn ra. Tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn rất chậm. Tỷ lệ các dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư khởi công xây dựng và đi vào hoạt động đạt thấp, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Mức độ hài lòng của doanh nghiệp, chủ đầu tư đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa cao.
Nguyên nhân của tình hình trên, chủ yếu là nguyên nhân chủ quan từ phía công tác quản lý nhà nước. Đáng chú ý là: Hiện còn nhiều cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp chưa đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp ở một số lĩnh vực vẫn chưa thật sự thông thoáng, trùng lắp làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Tình trạng hồ sơ phải làm lại, hồ sơ trễ hẹn; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, … đối với doanh nghiệp vẫn còn. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận các lĩnh vực liên quan đến đất đai, môi trường, …chưa được tháo gỡ kịp thời, nhất là về giá đất và thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Sự hợp tác, phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu chuyên nghiệp; việc phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý vẫn là khâu yếu… đã làm giảm năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư của tỉnh.
Trong thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức hơn; đổi mới cách nghĩ, cách làm, phải coi doanh nghiệp là lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện tốt các giải pháp để hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quá trình đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Tiếp tục chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQCP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Giáo dục thái độ, nêu cao tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp; không gây phiền hà, vòi vĩnh, nhũng nhiễu. Kịp thời cụ thể hóa các thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để tạo điệu kiện cho doanh nghiệp được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Trung ương.
Triển khai thực hiện tốt nhất các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương, đồng thời nghiên cứu vận dụng linh hoạt, sáng tạo và kịp thời vào tình hình thực tế của địa phương. Tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị; khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy hoạch các ngành và sản phẩm lợi thế, … khắc phục tình trạng để nhà đầu tư phải chờ quy hoạch, chờ điều chỉnh quy hoạch. Tổ chức rà soát lại các vấn đề liên quan đến giá đất, quy trình thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; cũng như các thủ tục liên thông giữa các cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian tiếp cận đất đại, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt 03 giảm: giảm thời gian, giảm giấy tờ, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; khắc phục các tồn tại, yếu kém được chỉ ra qua bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) năm 2016 của tỉnh. Tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh tiến hành rà soát các bộ thủ tục hành chính trong phạm vi, trách nhiệm của mình để giảm bớt, loại bỏ những thủ tục hành chính trùng lắp, không cần thiết. Thực hiện rà soát các quy trình xử lý công việc, cách thức xử lý từng thủ tục cụ thể để bảo đảm thông suốt, không ách tắc giữa các cấp, các ngành. Trước hết, tập trung vào một số lĩnh vực đang có nhiều bức xúc, như: quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có điều kiện; cấp giấy chấp thuận đầu tư; công tác định giá đất và thực hiện giải tỏa mặt bằng; các vấn đề liên quan đến đánh giá tác động môi trường… để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, thời gian thực hiện các quy định của nhà nước đối với doanh nghiệp.
Chủ động rà soát các dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận nhưng triển khai chậm hoặc chưa triển khai; số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động để nắm chắc tình hình; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động ổn định.
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020; bằng nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Sân bay Phan Thiết, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các hạng mục hạ tầng thiết yếu khác đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Rà soát, bổ sung bộ tiêu chí đánh giá phân loại, xếp hạng cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị cho phù hợp để triển khai thực hiện và coi đây là một trong những tiêu chuẩn nhận xét, đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; mọi thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành phải có người chịu trách nhiệm.
Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các giải pháp hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, minh bạch các thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Tăng cường công tác phản biện xã hội, kịp thời giải quyết, phản ánh những bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách tại địa phương. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo gắn với các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.