Đôi điều về tuyên truyền các vấn đề lịch sử trên báo, tạp chí

  • /
  • 23.4.2012 - 13:33

Vào dịp lễ, kỷ niệm những năm gần đây, các báo, tạp chí địa phương thường đăng tải một số bài viết nội dung xoay quanh chủ đề 30 năm chiến tranh giải phóng của quê hương, đất nước.

                 Chỉ riêng trong tháng 4/2012, các số báo Bình Thuận chào mừng kỷ niệm 37 năm giải phóng quê hương đã đăng tải nhiều bài viết gây được sự chú ý như Tản mạn những ngày đầu giải phóng, Bức điện tối khẩn trước giờ giải phóng Bình Thuận, Lai lịch bức ảnh “chiếc xe tăng” của 37 năm về trước, người Trung đoàn trưởng 37 năm trước. Hoặc trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận số tháng 3-4/2012 có các bài Ngày trở về, Chuyện bắt tướng Ngụy…Các bài viết trên do tác giả là người trong cuộc viết ra, hoặc tác giả đi khai thác nhân chứng lịch sử để viết thành tác phẩm. Nội dung bài viết với nhiều cách chuyển tải sinh động đến đọc giả, phản ánh những khía cạnh khác nhau về lịch sử 30 năm chiến tranh giải phóng, không gian đa chiều, những công việc thầm lặng của từng con người trong kháng chiến, nhất là những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975; và tất cả đều chung mục đích ca ngợi thắng lợi chung của quê hương, đất nước.

Các báo, tạp chí địa phương đăng tải những bài viết mang nội dung lịch sử là việc làm rất hay. Nhờ đó, lịch sử truyền thống địa phương với nhiều cách nhìn, nhiều cách tiếp cận, có cơ hội được tuyên truyền, đi vào cuộc sống và ngày càng được phổ biến đến với mọi người, chứ không phải gói gọn trong những trang sách nghiên cứu, biên soạn cũ kỹ nằm trên kệ sách nhà riêng hay thư viện. Từ nội dung đăng tải trên báo, tạp chí giúp đọc giả ngày càng quan tâm đến lịch sử quê hương, đất nước; học sinh, sinh viên không phải e ngại, khó khăn khi đụng đến lịch sử địa phương từ lâu bị cho là khó nuốt, khô cứng, không hấp dẫn.   

Một số bài viết mang tính phát hiện mới, tạo sự quan tâm của đọc giả. Một số bài viết, tác giả là những người đã từng giữ chức vụ cao của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể, thì càng đáng quý, mức độ tin cậy cao. Những nội dung đó rất có ích cho cán bộ nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương. Sau khi qua công tác thẩm định chuyên môn, sẽ trở thành nguồn tư liệu hay, phong phú, bổ sung vào những công trình lịch sử truyền thống địa phương chưa xuất bản hoặc tái bản.

Điều phân vân còn đọng lại sau những bài viết về các vấn đề lịch sử được đăng tải thời gian vừa qua là, đáng lẽ các báo, tạp chí địa phương phải thực hiện thường xuyên, có thể xây dựng thành chuyên trang, chứ không đợi đến những ngày lễ kỷ niệm mới đẩy mạnh tuyên truyền. Ngoài ra, nội dung một số bài viết do người trong cuộc kể lại cho tác giả khai thác tư liệu, do sự hiểu biết, vị trí công tác và cách nhìn lúc đó, chưa hẳn đã chính xác hoàn toàn so với sự thật lịch sử diễn ra. Vì vậy, bên cạnh nội dung do các tác giả có uy tín lịch sử, thực sự đáng tin cậy, viết ra trên tinh thần tính đảng và tính khoa học, thì cũng phải có quy chế thẩm định giữa cơ quan chuyên môn với các báo, tạp chí trước khi cho đăng tải những bài viết về lịch sử. Quy chế làm sao vừa bảo đảm tính chính xác lịch sử, tính đảng và tính khoa học, vừa bảo đảm được mục đích và thời gian tuyên truyền. Thiết nghĩ làm như vậy mới phát huy việc tuyên truyền lịch sử địa phương đến với mọi người, đồng thời tránh những thiếu sót không đáng có.

                                                              Nguyễn Thành Tài


  • |
  • 763
  • |

Các tin khác