Phát triển nhiệt điện ở Bình Thuận, những vấn đề đặt ra cần được quan tâm

Phát triển, cung cấp điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trong hệ thống điện quốc gia của nước ta, nhiệt điện vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu và hiện đang đóng vai trò lớn trong giai đoạn hiện nay và có thể còn sẽ còn đóng vai trò lớn trong khoảng một vài thập niên nữa. Theo quy hoạch cảu ngành điện, công suất nhiệt điện than năm 2020 của cả nước là 36.000 MW, chiếm 48% cơ cấu nguồn điện, năm 2030 là 75.000 MW, chiếm 51% cơ cấu nguồn điện.

Năm 2010 tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước là 4.250 MW và chỉ trong vòng 10 năm, tổng công suất các nhà máy điện than tăng gấp 8,5 lần và tiếp sau 10 năm nữa (năm 2030) tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020 và 17,6 lần so với năm 2010.

Thời gian qua, điện năng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển, hiện nay đã có 35 nhà máy điện đang hoạt động, tổng công suất hơn 6.000 MW (4 nhà máy nhiệt điện than, 3 nhà máy điện gió và 21 nhà máy điện mặt trời…). Sản lượng điện thiết kế khoảng 30 tỷ kwh/năm, đáp ứng năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 đã hoạt động, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang vận hành thử nghiệm tổ máy số 1; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang tiếp tục trong giai đoạn thi công mở rộng.

Tiềm năng và lợi thế

Có thể nói rằng, các nhà máy Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đã và đang góp phần tạo tiền đề xây dựng tỉnh Bình Thuận thành trung tâm năng lượng quốc gia.

Ngày 02/10/2019, Vụ Khoa học và Công nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức khảo sát và tọa đàm với chủ đề: “phát triển nhiệt điện, những vấn đề đặt ra” tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Tại buổi tọa đàm các nhà khoa học, các đại biểu có nhiều ý kiến về vai trò của nhiệt điện trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Qua đó góp phần làm rõ về nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của năng lượng điện tỉnh nhà; tỷ trọng của nhiệt điện trong tổng cơ cấu năng lượng điện của tỉnh, quy hoạch điện; công tác quản lý nhà nước đối với phát triển nhiệt điện tại tỉnh; sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong giải quyết những vấn đề liên quan tới phát triển nhiệt điện; những giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; những yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, định hướng dư luận và vấn đề phát triển năng lượng nói chung và nhiệt điện riêng; những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án về phát triển năng lượng và phát triển nhiệt điện của tỉnh. Đặc biệt là làm thế nào bảo đảm hài hòa về lợi ích của cộng đồng dân cư trong vùng dự án, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển bền vững ngành điện trên địa bàn tỉnh.

Phát triển điện năng cần được quy hoạch, giám sát chặt chẽ vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa bảo đảm môi trường sinh thái và hài hòa lợi ích nhân dân, địa phương vùng có dự án.

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân được quy hoạch, xây dựng và đi vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Công nghệ phát triển nhiệt điện Vĩnh Tân, đặc biệt là Vĩnh Tân 4 có công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu về vận hành, điện năng, bảo vệ môi trường. Lượng tro, xỉ thải được thu gom, bước đầu hợp đồng cung cấp làm vật liệu, bảo vệ, lưu giữ tạm thời làm khá tốt; xây dựng các giải pháp bảo vệ, dành kinh phí khắc phục, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái. Công tác môi trường được các nhà máy quan tâm như: trồng cây xanh, thu gom tro, xỉ, xây dựng, gia cố bể chứa, lót, phủ bạt che, thường xuyên phun nước trên bãi chứa, ... khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của cộng đồng dân cư sống gần khu vực nhà máy.

Một số khó khăn, thách thức và những vấn đề được đặt ra

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào vận hành đã ảnh hưởng, tác động đến môi trường xung quanh khu vực các nhà máy với các mức độ khác nhau, như: Lượng tro, xỉ thải ra ngày càng nhiều, các bãi chứa có hạn (hiện bãi chứa có gần 7,4/9 triệu tấn thiết kế); nguồn nước phục vụ tưới bãi xĩ chưa bảo đảm; mùa khô hạn thiếu nước, nắng, gió mạnh tăng nguy cơ phát tán tro, bụi  ảnh hưởng đến môi trường, trước hết là khu vực dân cư gần nhà máy.

Nguồn nước ngọt khó khăn, lọc nước mặn sử dụng chi phí cao, Vĩnh Tân là vùng khô hạn của tỉnh; nước từ hồ Đá Bạc cung cấp, sử dụng có mức độ. Khói, bụi trong không khí quá trình vận nhà nhà máy tuy có giảm, nhưng vẫn còn; các giải pháp sử dụng tro, xỉ vào các công trình giao thông, xây dựng dân dụng và các mục đích khác chưa được triển khai đồng bộ và quyết liệt; không cơ bản, chưa có đầu ra; tro, xỉ ứ đọng ngày càng nhiều, chưa có giải pháp hữu hiệu, tiềm ẩn nguy cơ cao, tạo bức xúc trong nhân dân, dư luận trong xã hội. Nước sau khi làm mát hệ thống máy, xả ra biển với chênh lệch nhiệt độ: đầu vào 29,50C, đầu ra 38,50C, đến biển 340C. Nếu cả  4 nhà máy cùng hoạt động, nước biển khu vực này có khả năng ngày càng ấm lên? ảnh hưởng đến các loại thủy sinh?

Vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân với Khu bảo tồn biển Hòn Cau cần xác định rõ khác nhau về số liệu diện tích giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được giải quyết.

Nhiệt độ chênh lệch đầu vào và đầu ra nguồn nước làm mát ở nhà máy là 80C, cần quan tâm theo dõi, đánh giá tác động về môi trường sinh thái biển, khu vực nuôi tôm giống hiện đang cung cấp nhiều địa phương trên cả nước. Việc nạo vét, mở rộng Cảng Vĩnh Tân để tàu tải trọng 100.000 tấn vào được và vật chất sau khi nạo vét được đặt ra, đánh giá tác động như thế nào cần được làm rõ, nhất là có hay không việc đặt ra nhấn chìm ngoài khơi.

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định 428/QĐ-TTg, năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030). Đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than giảm 5,3% so với Quy hoạch điện VII, chiếm khoảng 42,7% tổng công suất nguồn.  Do đó, việc sử dụng than và khả năng cung ứng than của nước ta, các tiêu chuẩn kỷ thuật, công nghệ; sử dụng lao động địa phương trong nhà máy; giải pháp đào tạo công nhân, giải quyết việc làm, bảo đảm khỏi thiệt thòi cho dân do triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện cần được đánh giá khoa học, nhằm đảm bảo an toàn và an ninh năng lượng.

Về giá thành nhiệt điện than, cần xem xét và so sánh với điện mặt trời, điện gió để định hướng phát triển. Đồng thời, tính đúng các chi phí, nhất là trong giải quyết những vấn đề phát sinh về mặt xã hội để có chính xác giá thành điện; làm rõ việc đóng góp của các nhà máy nhiệt điện cho trung ương, địa phương, phần trích lại để sử dụng hoặc phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh của nhà máy nhằm chủ động hạn chế những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an sinh xã hội ở địa phương...

Hướng tới những giải pháp bền vững

Từ những khó khăn, hạn chế, những vấn đề đặt ra và, đề nghị Chính phủ, các  bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp nhiệt điện quan tâm đến các vấn đề sau.

Xu thế chung thế giới là sử dụng năng lượng sạch hơn (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sóng biển…); sử dụng năng lượng hóa thạch, xu hướng ngày càng giảm. Viêc phát triển nhiệt điện, nhất là sử dụng than cần xem xét thận trọng. Một số nhà máy nhiệt điện hiện hữu đang vận hành với công nghệ cũ cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng cải tiến, áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đồng thời làm tốt công tác quản lý, vận hành an toàn vừa bảo đảm tăng điện năng, giảm thất thoát, giảm tác động về môi trường.

Quy hoạch tổng thể các nhà máy nhiệt điện trong khu vực Vĩnh Tân bảo đảm tính đồng bộ, khoa học và bền vững. Đánh giá tác động môi trường phải đánh giá tổng thể tất cả các nhà máy, nếu đánh giá tác động từng nhà máy sẽ không có giải pháp hài hòa, bền vững.

Việc trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường ở từng nhà máy, khu vực phụ cận phải được quan tâm đúng mức. Chú trọng các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường sinh thái; giám sát, theo dõi, đặc biệt giám sát việc vận chuyển, xử lý tro, xỉ của các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; các chủ đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ, thực hiện công tác theo dõi quan trắc, đo đạc, quản lý các tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường. Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, khu vực phụ cận. Vấn đề xả thải và làm mát đề nghị trung ương xem xét điều chỉnh Nghị định 154 của Chính phủ để giải quyết khó khăn vướng mắc.

Trung ương, địa phương và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng và giải quyết những vấn đề lớn tầm vĩ mô liên quan đến kinh tế xã hội. Doanh nghiệp chủ động đầu tư và có giải pháp căn cơ để cung cấp nguồn nước sinh hoạt, hệ thống nước thải sinh hoạt, hệ thống nước tưới chống phát tán; thu gom ở bãi tro xỉ; quan tâm giải quyết nước sinh hoạt cho dân cư khu vực phụ cận.

Về bãi xỉ, phải quan tâm đến nguồn nước làm ẩm, chống lại sự phát tán của tro, bụi do nắng, gió. Sớm công khai tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, các hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ vào mục đích xây dựng cho nhân dân và các doanh nghiệp biết để sử dụng và sử dụng có hiệu quả tro, xỉ, trước hết là vào các công trình giao thông nông thôn, giao thông khu vực gần nhà máy và địa phương; sau đó triển khai rộng ra.

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, từng nhà máy phải trên tinh thần chủ động, kịp thời phối hợp với địa phương, các ngành, các cấp tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, đồng thuận, tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh, thực hiện đúng các cam kết với nhân dân trong khu vực nói riêng và địa phương nói chung; dung hòa lợi ích các bên, không để các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng kích động chống phá, gây mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Việc nạo vét, mở rộng cầu cảng ở Vĩnh Tân để tàu 100.000 tấn vào cập cảng; vật chất sau khi nạo vét được sử dụng vào các công trình ven biển và trên cạn (xây kè, san lấp...), không nhấn chìm dưới biển. Vấn đề chồng lấn với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm thống nhất giải pháp tháo gỡ trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng điều chỉnh ranh giới Khu bảo tồn Hòn Cau cho phù hợp

Đóng góp của các nhà máy ở Vĩnh Tân vào ngân sách trung ương và địa phương phải hài hòa, nhất là góp phần cùng ngân sách địa phương, giải quyết những vấn ảnh hưởng tác động từ phía nhà máy đối với cư dân địa phương, khắc phục ô nhiểm môi trường, tái định cư, cung cấp nước, điện sinh hoạt cho nhân dân vùng dự án.

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm sớm đưa Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vào giám sát đặc biệt về an ninh, môi trường.

 Làm tốt và kịp thời các vấn đề đặt ra ở trên, chắc chắn rằng, an ninh năng lượng quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ bảo đảm, đồng thuận trong nhân dân sẽ ngày càng cao, các thế lực thù địch ít có cơ hội để chống phá, chia rẽ đoàn kết dân tộc; doanh nghiệp yên tâm phát triển bền vững./.        


Các tin khác