“Văn hóa” chống tham nhũng

  • /
  • 29.6.2012 - 10:0

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay đã bắt được bệnh, đã có thuốc..” Nhưng quan trọng cho con bệnh uống thuốc như thế nào? liều lượng ra sao? Bởi vì nói đến căn bệnh tức là nói đến thuốc chữa, nói đến người điều trị.

             Riêng con bệnh “tham nhũng” thì không con bệnh nào muốn uống thuốc hoặc tự nguyện uống thuốc. Bởi nếu uống sẽ mất chức, nếu uống sẽ mất quyền. Vậy làm thể nào để điều trị được căn bệnh tham nhũng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết TW 5 (khóa XI)? Sau đây là một số kinh nghiệm từ các nước có bề dày thành tích chống tham nhũng.

Cả thế giới chống tham nhũng

Tham nhũng phá hoại sự phát triển bằng việc làm méo mó pháp luật, làm tổn hại đến tương lai của đầu tư kinh tế. Trong thời gian qua, các tổ chức quốc tế, khu vực và nhiều nước đã tiến hành nhiều hoạt động chống tham nhũng. Tháng 9-2007, tại Sydney, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại APEC đã thông qua các quy tắc về chống tham nhũng trong giới quan chức và giới doanh nghiệp, đồng thời ủng hộ việc thực hiện các biện pháp có hiệu quả hơn trong việc truy tố những đối tượng phạm tội và thu hồi các khoản thu phi pháp của họ.

Tuyên bố chung của Hội nghị nêu rõ: "Chúng tôi đặt ưu tiên cao cho việc chống tham nhũng. Tham nhũng đe dọa làm tổn hại tăng trưởng kinh tế do làm suy yếu sức mạnh của pháp luật, làm biến dạng thị trường và cản trở hoạt động đầu tư".

Tháng 10-2007, Canada đã phê chuẩn UNCAC. Theo Bộ Ngoại giao Canada, việc thực hiện UNCAC tạo điều kiện bảo đảm rằng nạn tham nhũng trên thế giới sẽ được ngăn chặn, phát hiện và xử lý hiệu quả hơn.

Chính phủ Trung Quốc chính thức thành lập Cơ quan phòng, chống tham nhũng quốc gia (NBCP) đầu tiên của nước này, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng và tiến tới bài trừ hoàn toàn tệ nạn này trong các ban, ngành của Chính phủ.

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Ðảng CS Trung Quốc (CCDI) hồi trung tuần tháng 1-2008, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào cam kết đẩy mạnh chiến dịch phòng, chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc.

Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào nhấn mạnh chống tham nhũng là cuộc chiến lâu dài, phức tạp và gian khổ; phòng chống tham nhũng phải đi đôi với các biện pháp kỷ luật nghiêm minh, đồng thời phải tìm hiểu rõ những nguyên nhân, biểu hiện của tham nhũng. Ðảng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra các vụ tham nhũng, tăng cường công tác phòng chống, loại bỏ những điều kiện dẫn tới tham nhũng và phải có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những quan chức tham nhũng theo đúng luật pháp quy định.

Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào kêu gọi tất cả đảng viên cộng sản hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình.

Các nước khu vực Ðông Phi thành lập Hiệp hội chống tham nhũng nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống tham nhũng (EAAACA). Mục tiêu của EAAACA là duy trì tính nghiêm minh của hệ thống luật pháp tại các quốc gia, nâng cao khả năng phát hiện, điều tra những vụ việc tham nhũng, đẩy mạnh hợp tác chống các hành vi tham nhũng tại các nước thành viên.

Các biện pháp chống tham nhũng được Nhà nước Cuba thực hiện bao gồm việc lãnh đạo và nhân viên các cơ quan công quyền ký Bộ luật về Ðạo đức; đưa vào thực hiện Sắc luật 256 nhằm tăng cường hình phạt đối với trường hợp vô kỷ luật, hành vi phạm tội và biểu hiện tham nhũng; hoàn thiện Ban Giám sát Chính phủ cũng như tăng cường các hoạt động và chức năng của Bộ Kiểm toán và Kiểm tra.

Từ ngày 28-1 đến 1-2 tại Bali, Indonesia, khoảng 1.000 đại biểu từ 140 nước bao gồm 104 nước thành viên và 36 bên đã ký kết UNCAC cũng như các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ sẽ tham dự Hội nghị chống tham nhũng.

Hội nghị dự kiến tập trung thảo luận bốn chủ đề chính gồm: Cơ chế kiểm điểm việc thực hiện Công ước; hoàn trả tiền bị tham nhũng; hợp tác kỹ thuật và phòng chống nạn tham nhũng của các công chức. Indonesia dự kiến đưa ra những khuyến nghị mới nhằm tạo lập một cơ chế mới hiệu quả hơn trong việc giúp các nước được coi là "nạn nhân" thu hồi số tiền công quỹ bị thất thoát do tham nhũng. Cơ chế hiện nay (gồm dẫn độ tội phạm, các mối quan hệ song phương hoặc pháp lý) thường gặp trở ngại trong khi vận dụng.

“Văn hóa chống tham nhũng”ở Singapore 

Trước khi giành độc lập từ Anh quốc, Singapore đã có cơ quan chống tham nhũng từ năm 1952, nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế bởi hệ thống pháp luật và ý thức của công chức đều rất yếu. Nay thì “Cơ quan điều tra chống tham nhũng” Singapore có đầy quyền lực trong một hệ thống pháp luật đầy đủ và người dân ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn với mọi hoạt động của công sở. Những biện pháp chế tài khắt khe đối với công chức hoặc khu vực tư nhân có hành vi tham nhũng đã được thi hành, thủ tục hành chính được cải cách gọn nhẹ và tiến bộ của công nghệ thông tin đã góp phần làm giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với công chức… Tất cả đã làm cho công tác chống tham nhũng hiệu quả thấy rõ. Ông Soh Kee Hean nói rằng, nếu một công chức đục khoét ngân sách hay tham nhũng ở mức 1 triệu đô la Singapore (1 đô la Sing = 70% đô la Mỹ = khoảng 11.000đ VN - PV), mức hình phạt sẽ là 7 năm tù và phải bồi thường tất cả số tiền mà anh ta đã biển thủ. Nếu không trả lại đủ, thì thời gian “đếm lịch” sẽ tăng lên. Nhưng quan trọng hơn: “Chính phủ Singapore khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan ngôn luận đưa đầy đủ nhân thân, hình ảnh và hành vi phạm tội của kẻ tham nhũng lên mặt báo, nếu cảm thấy thông tin chưa đủ các nhà báo sẽ được cơ quan chống tham nhũng cho tiếp cận hồ sơ để bổ sung. Người Singapore hay người châu Á nói chung đều trọng danh dự, cho nên khi bị nêu lên báo, ý nghĩa răn đe, ngăn chặn càng có hiệu quả cao hơn…”, ông Soh nhấn mạnh. Đối với khu vực tư nhân, các công ty đưa hối lộ trong quá trình giao dịch sẽ bị xử nặng hơn và cơ quan điều tra chống tham nhũng sẽ có quyền chấm dứt ngay các dự án, các hợp đồng đang thực hiện và “bêu danh” lên sổ đen tham nhũng. Để làm được việc đó, người làm công tác chống tham nhũng của Singapore phải là công chức hành chính thanh liêm chứ không phải là các nhân vật chính trị. Cơ quan điều tra chống tham nhũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền trong lãnh vực này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Trong trường hợp - giả định, vì chưa xảy ra - Thủ tướng phạm tham nhũng, cơ quan này sẽ trình cho Tổng thống Singapore cho phép điều tra. Các cơ quan khác, như cảnh sát chẳng hạn khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng ở bất cứ đâu cũng phải chuyển cho cơ quan điều tra chống tham nhũng thực hiện, cho dù đó là các vụ án thuộc các quan chức chính trị, pháp luật, cơ quan công quyền hay xã hội tư nhân và ở bất cứ cấp nào. “Chúng tôi có thẩm quyền đầy đủ và rộng nhất trong nhiệm vụ của mình, không chịu áp lực từ bất cứ cơ quan hay nhân vật chính trị nào. Do đó chúng tôi không có vùng cấm và bất cứ sức ép nào. Kết quả chung là 95% những vụ điều tra có đủ bằng chứng sau khi chuyển cho cơ quan công tố truy tố đã được phán quyết là có tội, 5% còn lại không đủ bằng chứng đã được miễn tội. Mặc dù Singapore có 1 đảng cầm quyền, đảng chỉ định các chức vụ trong bộ máy hành chính, tư pháp… nhưng khi bất cứ ai, dù cao cấp đến đâu đều bị điều tra khi có dấu hiệu tham nhũng. Đã từ lâu, cả các nhà chính trị cũng như công chức cao cấp đều chia sẻ với cơ quan chống tham nhũng rằng, dù anh ở bất cứ vị trí nào thì cũng không bao giờ được tha thứ khi phạm tội, anh sẽ bị trừng trị nghiêm khắc nhất theo luật pháp… Tất cả những yếu tố đó gộp chung lại, được xem như là một “văn hóa chống tham nhũng” của Singapore”, ông Soh nói thêm. Để ngăn ngừa tham nhũng, lương công chức Singapore đều tương ứng với mức lương ở khu vực tư nhân có liên quan. Khi lương khu vực tư lên, công chức cũng được lên và ngược lại. Nhưng lương không thôi chưa đủ, mà pháp luật chống tham nhũng phải luôn được điều chỉnh để không còn kẻ hở cho mọi sự lợi dụng và việc thực thi pháp luật phải đủ mạnh. Giám đốc cơ quan điều tra chống tham nhũng Singapore còn đặc biệt lưu ý: “Văn hóa chống tham nhũng của chúng tôi không phải chỉ có vậy. Nó bén rễ trong xã hội bằng một chính sách giáo dục dài lâu. Cơ quan tôi chịu trách nhiệm của công tác này với sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành khác. Nó được chia làm hai chương trình: giáo dục cho cộng đồng và giáo dục cho học sinh sinh viên ngay từ khi các em còn nhỏ dưới nhiều hình thức sinh động và hấp dẫn nhưng rất nghiêm túc. Tất cả là nhằm tạo cho mọi công dân hiểu về hậu quả an ninh của một đất nước nếu chìm sâu trong tệ tham nhũng, về danh dự, lòng tự trọng và giá trị đạo đức của con người và cả dân tộc. Các vị hiệu trưởng cũng được đào tạo để đưa chương trình này lồng ghép vào các chương trình của nhà trường. Sinh viên các trường cao đẳng và đại học lại có chương trình riêng, ví dụ như lồng ghép với các giáo trình hành chính công, quản lý tài chính hoặc tham quan tìm hiểu công tác ở các cơ quan nhà nước…”.

                                                              Dương Tự

                                                              (tổng hợp)


  • |
  • 754
  • |

Các tin khác