Kỷ niệm 67 năm ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945-23/9/2012: Bình Thuận, nơi hội tụ của các đoàn quân Nam tiến trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

  • /
  • 19.9.2012 - 8:37

Nhìn lại chặng đường từ khi tổ chức Đảng đầu tiên ra đời ở Tam Tân năm 1930 đến năm 1945, trải qua 15 năm đấu tranh đầy hy sinh, thử thách, nhân dân Bình Thuận đã góp công cùng cả nước đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

               Độc lập chưa được bao lâu, đất nước ta lại đứng trước tình thế rất hiểm nghèo: Cách mạng vừa thành công, chính quyền vừa ra đời còn non trẻ, nhân dân ta chưa đủ thời gian xây dựng lực lượng vũ trang chính quy để bảo vệ nền độc lập đã giành được; nền kinh tế đất nước nghèo nàn, lạc hậu, kiệt quệ nặng nề do chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật, nhất là 6 năm chiến tranh thế giới thứ hai; nạn đói, thiên tai lũ lụt đe doạ nghiêm trọng. Trong khi đó, chưa bao giờ nước ta lại có nhiều quân đội nước ngoài với số lượng đông đảo: gần 30 vạn quân chính quy của các nước Anh, Pháp, Nhật và quân Tưởng cùng nhiều đảng phái chính trị phản động lăm le lật đổ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt âm mưu của đế quốc Pháp cùng các thế lực phản động muốn lập lại chính quyền tay sai và cướp nước ta một lần nữa.

Trong những ngày này, nhân dân Bình Thuận đang sôi nổi xây dựng, củng cố chính quyền vừa mới giành được thì 15 giờ ngày 28/8/1945, thực hiện âm mưu đánh phá cách mạng, thực dân Pháp cho máy bay thả dù một số biệt kích xuống nhà thờ Tân Lý (Hàm Tân). Nhưng khi những chiếc dù vừa chạm đất, hàng trăm dân chúng các làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, Tam Tân tiến đến vây bắt được 4 tên Pháp, 2 tên Việt gian và thu hết tang vật. Sau đó mấy ngày, thực dân Pháp dùng máy bay thả biệt kích xuống vùng Suối Kiết (Tánh Linh). Ở đây, chúng cũng bị nhân dân lùng bắt. Hai sự kiện trên báo hiệu cho thấy: Pháp chưa từ bỏ âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Đúng như dự đoán của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 23/9/1945 quân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh-Ấn trở lại đánh chiếm Sài Gòn-Gia Định, sau đó đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đối với các tỉnh Nam Trung bộ, chúng vừa dùng quân Nhật trở lại đóng chốt các vị trí, vừa dùng hải quân bắn phá một số nơi như Thương Chánh (Bình Thuận), Cà Ná, Ninh Chữ (Ninh Thuận) để thu hút hơn 1.000 lính Pháp-Nhật đổ bộ đánh chiếm thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Mặt khác, chúng dùng bộ binh, cơ giới từ Biên Hòa theo quốc lộ 1 phối hợp đánh chiếm các tỉnh ven biển miền Trung. Nhưng khi tiến đến Rừng Lá (giáp ranh giữa Biên Hòa và Bình Thuận) bị bộ đội, du kích Bình Thuận cùng bộ đội từ Nam bộ ra đóng quân ở đây chặn đánh, đành phải rút về. Như vậy, chiến thuật hai gọng kìm để đánh chiếm các tỉnh Nam Trung bộ của chúng bước đầu bị thất bại.

Ngày 26/9/1945, Hồ Chủ tịch gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta chính nghĩa”. Đáp lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, ủng hộ kháng chiến, các tỉnh ở Trung bộ, Bắc bộ thành lập các “Phòng Nam bộ” để vận động vật chất và tổ chức các đơn vị vũ trang vào Nam chiến đấu. Tháng 10-1945 trở đi, nhân dân Bình Thuận đón tiếp các đoàn quân Nam tiến từ các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh (Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh) hành quân vào Nam đánh giặc. Bộ đội Nam tiến đi đến đâu cũng được các má, các chị lo cơm nước, dân quân tự vệ lo nơi ăn ở và dẫn đường. Đồng thời, quân dân Bình Thuận cũng thành lập một đơn vị Nam tiến vào chiến đấu ở mặt trận Thị Nghè (Sài Gòn) và bố trí lực lượng phòng thủ từ cây số 37 đến Rừng Lá, trong đó có cả trung đội dân quân người dân tộc trang bị cung, ná cùng tham gia. Tháng 10/1945, quân Pháp ở Sài Gòn ra đánh chiếm tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Mặt trận miền Đông bị vỡ, lực lượng ở đây rút ra Bình Thuận. Trong khi đó, lực lượng Nam tiến ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục vào các huyện Hàm Thuận, Hàm Tân, Phan Thiết là nơi hội tụ các lực lượng, nên một số nơi ở huyện Hàm Tân gặp nhiều khó khăn về chổ ở, lương thực, bộ đội ta đã dùng vũ lực ép chính quyền địch tiếp tế. Để có sự thống nhất chung, bố phòng chống địch tấn công và giải quyết các vấn đề tại địa phương, các đồng chí lãnh đạo tại mặt trận Sài Gòn rút ra cùng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chỉ huy các đơn vị Nam tiến và thành lập Ủy ban đặc biệt Khu Bình Thuận-Miền Đông Nam bộ do đồng chí Đào Duy Kỳ, Nguyễn Đức Dương, Nam Long lãnh đạo… Với vị trí là tỉnh Cực Nam Trung bộ, xa sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy Trung kỳ, phương tiện giao thông chưa phát triển, đường dây liên lạc và nguồn tiếp tế ở các tỉnh ngoài vào bị gián đoạn, từ cán bộ lãnh đạo đến người dân đã ý thức phải “tự lực, tự cường” đánh giặc giữ làng, bảo vệ tổ quốc. Với khí thế “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, các tầng lớp vũ trang và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Thuận đều được động viên bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ.

Bình Thuận vốn là vùng đất hội tụ dân cư khắp 3 miền đất nước, là nơi hội tụ của nhiều người yêu nước đứng lên chống giặc ở nhiều địa phương. Và như một sự sắp đặt của lịch sử, Bình Thuận đã trở thành nơi hội tụ các đoàn quân Nam tiến, đại diện cho lực lượng cả nước ủng hộ Nam bộ đánh giặc Pháp, thể hiện khí thế cả nước ra quân chống quân xâm lược. Từ gậy tầm vông, từ dao mã tấu, nhân dân Bình Thuận cùng nhân dân miền Nam đã đứng dậy kháng chiến chống Pháp. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý do Hồ Chủ tịch tặng: “Thành đồng Tổ quốc” (tháng 2-1946). Trên suốt chặng đường đấu tranh gian khổ, nhân dân Bình Thuận giữ vững lời thề son sắt cùng với nhân dân cả nước đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho Độc Lập-Thống nhất.                                        

                                                               Thái Sơn


  • |
  • 958
  • |

Các tin khác