Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

       Bình Thuận là một tỉnh cực Nam Trung Bộ nối dài với miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với thực lực quân sự và phương tiện chiến tranh hiện đại của đối phương, việc hình thành nơi đứng chân của cơ quan đầu não tỉnh Bình Thuận được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nó không những là hậu phương tại chỗ cho tỉnh, mà còn có vị trí, vai trò cần thiết đối với phong trào cách mạng các tỉnh Cực Nam Trung bộ. 

       Từ năm 1954 đến 1975, hầu hết căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận đều đứng chân ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi thuộc các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Di Linh (Lâm Đồng). Nhiều địa danh được sách sử, tài liệu từng nhắc đến như: Lê Hồng Phong, núi Ông, Saloun, Km 36 tỉnh lộ 8...Do điều kiện chiến tranh, các căn cứ Tỉnh ủy chỉ được xây dựng đơn sơ dưới dạng hầm, hào, lán trại, che đắp bằng cây gỗ, tre lá, đất cát. Mặt khác, Tỉnh ủy phải liên tục di dời qua lại nhiều vùng rừng núi, địa điểm khác nhau để bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối; trong số đó, có khu căn cứ Saloun (Sa - lôn) và căn cứ Km 36, tỉnh lộ 8.   

       Khu căn cứ Saloun

       Khu căn cứ Saloun là tên một khu rừng có diện tích hàng ngàn hecta, ngày nay thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc). Theo các đồng chí cán bộ từng công tác trong kháng chiến tại đây cho biết, trải dài trên hàng ngàn hecta rừng Saloun từ cuối năm 1954-1957, 1959, 1961, 1963-1964, 1967-1970, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đứng chân hoạt động ở nhiều địa điểm như: buôn Ca Liên, Gò Nổi, Trũng Tây, nhà Tam Cấp, suối Chín Khúc…Nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập như: đơn vị 2/9 - lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, Xưởng quân giới Cao Thắng, Ban An ninh, Trại giam, Trường Đảng tỉnh Bình Thuận; một số cơ quan đứng chân, hoạt động thời gian dài như: Ban Thông tin (điện đài), Ban Kinh tài, Xưởng dệt, Ban Dân y, Trạm F5 (cơ quan tổng phát hành).

       Rừng Saloun cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Đại hội chiến sĩ thi đua đầu tiên của tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 9/1964); Đại hội chính trị đầu tiên thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969) do đồng chí Nguyễn Quý Đôn làm Chủ tịch; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (tháng 7/1970). Đặc biệt, ngày 09/9/1969, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời. Nhiều cán bộ, chiến sĩ từ rất lâu đã xem Saloun là “Thủ đô kháng chiến” chống Mỹ của Tỉnh ủy Bình Thuận.  

        Đến nay, nhiều dấu vết căn cứ còn lưu lại như: nhà Tam Cấp có nhiều hầm, hào, bếp ăn, cây cổ thụ…phân bố trên ngọn đồi với diện tích hơn 1000 m2. Theo các đồng chí cán bộ đã từng công tác tại đây cho biết, địa điểm này là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ III (tháng 7/1970). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 19 đồng chí; đồng chí Lê Thứ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Quý Đôn làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Hoặc tại suối Chín Khúc, trên diện tích gần 1000 m2, còn lại một số dấu vết của hầm, hào bên cạnh con suối. Theo các đồng chí cán bộ đã từng công tác tại đây cho biết, vào ngày 09/9/1969, khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Tỉnh ủy Bình Thuận đang đứng chân tại suối Chín Khúc đã tổ chức lễ truy điệu Người. Anh em cần vụ, cảnh vệ chặt cây rừng làm bàn thờ đặt dưới gốc cây cổ thụ, trên bàn thờ có tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trắng đen in trên vải lụa. Tấm ảnh này được một đồng chí nguyên là cần vụ của Tỉnh ủy trong thời điểm đó, lưu giữ cẩn thận cho đến nay.

        Căn cứ Tỉnh ủy tại Km 36, tỉnh lộ 8

        Theo các đồng chí từng công tác trong kháng chiến tại đây cho biết, căn cứ Km 36 tỉnh lộ 8 là nơi đóng cơ quan của Tỉnh ủy Bình Thuận trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, cho dù có di chuyển một số nơi khác để kịp thời chỉ đạo chiến trường, nhưng vẫn giữ lại bộ phận hậu cần, quản trị. Giữa năm 1974, nơi đây xây dựng một nhà máy xay gạo, mua 3 xe reo vận chuyển, 1 xe ủi đường thông suốt từ sông Khiêng qua dốc Trạm giao liên đến Đèo Liêm, vùng giải phóng Hàm Trí.

        Thường vụ Tỉnh ủy chọn địa điểm này làm căn cứ chỉ đạo kháng chiến vào thời điểm đế quốc Mỹ thất bại, xuống thang chiến tranh để gần dân, gần chiến trường, thuận lợi cho việc chỉ đạo kháng chiến. Tại đây có hai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy từng sống, hoạt động, chỉ đạo công tác, đó là: đ/c Lê Thứ (Mười Bắc) từ tháng 4/1972 - đầu năm 1974, đ/c Nguyễn Quý Đôn từ tháng 01/1974 – 19/4/1975.

       Trong phạm vi bán kính 2 km dọc theo con suối chảy ngang căn cứ là nơi đóng quân các cơ quan Văn phòng (Văn thư, Cơ yếu, Điện đài, Hội trường, nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy), Tuyên huấn, Kinh tài, Hành lang, Ban Dân y, Ban An ninh và Tỉnh đội.

       Sau giải phóng, theo thời gian, dưới tác động môi trường tự nhiên cùng sự tác động của con người, các căn cứ hầu hết đã bị hủy hoại, hư hỏng, không còn để lại dấu tích. Cùng với căn cứ Km 38, tỉnh lộ 8 (Quốc lộ 28 ngày nay) được khảo sát trước đây, vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức khảo sát hai địa điểm tại khu căn cứ Saloun là nhà Tam Cấp, suối Chín Khúc. Đây là cơ sở nghiên cứu, xem xét, tùy theo điều kiện, ý nghĩa lịch sử, để đầu tư xây dựng các hình thức lưu niệm phù hợp, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ, góp phần phát triển du lịch địa phương trong tương lai./.


Các tin khác