Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

       Gia đình là thiết chế của xã hội, ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của con người, là nơi con người sinh ra đồng thời cũng là môi trường cung cấp, giáo dục những kiến thức cơ bản để con người hoàn thiện nhân cách.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “ Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đảng ta cũng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình. Năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW: về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Trong hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư, được sự quan tâm và nhận thức ngày càng đầy đủ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và đại bộ phận trong nhân dân, công tác gia đình của tỉnh nhà được triển khai sâu rộng ở các đơn vị, địa phương và đã đạt được những kết quả nhất định.

         Phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các lễ hội được triển khai thực hiện khá tốt, góp phần từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu. Số gia đình qui mô nhỏ có từ 1- 2 con ngày càng tăng thể hiện qua tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,39% năm 2005 xuống còn 1,16% năm 2009 và hiện còn là 0,95% ; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ mức khá cao 21,7% năm 2005 xuống còn 14,6% vào năm 2014; tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 84% vào năm 2005, năm 2010 đạt 86,91%, năm 2014 đạt 89,6%; 

         Hiện nay tại các địa bàn dân cư trong tỉnh đã xây dựng được 86 “ Địa chỉ tin cậy”  và 106 “ Đường dây nóng” của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; toàn tỉnh có 76/127 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo  phòng, chống bạo lực gia đình, số vụ bạo lực gia đình cũng giảm theo các năm, năm 2009 có 1863 vụ, năm 2014 còn 779 vụ. Có 82/705 thôn, khu phố có  câu lạc bộ gia đình hoạt động nề nếp, 05/10 huyện, thị, thành phố đã triển khai xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, tỉnh Bình Thuận đến năm 2020

           Công tác chăm sóc bà mẹ, bảo vệ, giáo dục trẻ em có nhiều tiến bộ. Đến  nay toàn tỉnh có 127/127 xã, phường, thị trấn các trạm y tế đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, trong đó có  96/127 trạm y tế phường, xã, thị trấn có bác sĩ nên công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng tốt hơn; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng liên tục giảm, năm 2005 là 22%, năm 2010 còn 14%, năm 2014 còn 10%; tỷ lệ bao phủ mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đạt 100%, tỷ lệ phụ nữ mang thai đi khám đủ 3 lần, được tiêm phòng uốn ván và có cán bộ chăm sóc khi sinh đạt từ 95 - 99%. Công tác giáo dục trẻ em luôn được duy trì tốt, tỉnh nhà đã đạt chuẩn PCGDTH mức độ 2 vào năm 2014 và được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn về PCGDTH-ĐĐT mức độ 1 năm học 2012-2013 và được duy trì cho đến nay, tất cả các trường học đều có nhân viên chuyên trách về y tế dự phòng. Hiện có 70% hộ gia đình ở nông thôn dùng nước sạch, 55% số hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh; có 50% số xã vùng dân tộc thiểu số có công trình cấp nước sinh hoạt

            Các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm tổ chức tốt công tác giáo dục đạo đức lối sống xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên mẫu mực trong gia đình. Gia đình qui mô nhỏ ngày càng được xã hội đồng thuận. Đối tượng người cao tuổi được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo, những gia đình neo đơn đều được trợ cấp theo quy định hiện hành; số hộ gia đình đăng ký, công nhận đạt danh hiệu gia đình tiêu biểu tăng hàng năm, nhiều gia đình được UBND tỉnh, Tổng Liên  đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen

           Trong những năm gần đây tỉnh ta có nhiều chủ trương tạo điều kiện bồi dưỡng nghề, giải quyết việc làm cho hộ gia đình nông thôn; một số hội đoàn thể chủ động phối hợp tạo điều kiện về các thủ tục vay vốn từ nguồn vốn vay ngân hàng nhằm giải quyết việc làm cho các hộ nghèo, huy động hội viện đóng góp xây  nhà cho chị em phụ nữ có gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; một số hội đoàn thể cấp sổ ưu đãi giáo dục cho hộ gia đình có các cháu vượt khó, học giỏi; tính đến giữa năm 2010 toàn tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà  tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm qua từng năm và  hiện nay còn 4,5%/ tổng số hộ toàn tỉnh

            Đồng thời với những kết quả đạt được công tác xây dựng gia đình hiện nay  vẫn còn không ít những khó khăn thách thức:

            Nhận thức của người dân tuy có chuyển biến nhưng chưa thể hiện được nhiều vai trò trách nhiệm trong công tác xây dựng gia đình; việc thực hiện luật hôn nhân gia đình còn nhiều thiếu sót và bất cập; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở nhiều nơi vẫn còn cao, vẫn còn tâm lý trọng nam nhiều hơn  nữ, tình trạng tảo hôn, ly hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạn phá thai vẫn còn, nhất là ở các vùng ven đô thị, nông thôn; các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, nhiểm HIV/AIDS chưa giảm, một số trường hợp xâm nhập vào một bộ phận gia đình

           Công tác xoá đói giảm nghèo ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, chưa vững chắc. Một bộ phận gia đình, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ỷ lại, chưa ý thức chủ động tự vượt khó vươn lên; nhiều gia đình còn thiếu trách nhiệm trong việc chăm lo, giáo dục con, cháu và các thành viên trong gia đình dẫn đến vi phạm các tệ nạn xã hội. Tình trạng dân di cư đến vùng biển, miền núi sinh sống cũng làm nẩy sinh nhiều phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về gia đình tại địa phương …

          Kinh phí chi cho hoạt động công tác gia đình rất thấp so với yêu cầu,  nhiệm vụ, từ năm 2005 đến 2008 không có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động công tác gia đình, năm 2009 được cấp 70 triệu đồng, từ năm 2010 đến năm 2015 mỗi năm được cấp 140 triệu đồng; ở huyện, thị, thành phố không có kinh phí hoạt động về công tác gia đình, phải trích từ nguồn kinh phí xây dựng đời sống văn hoá; cấp xã, phường, thị trấn tự điều phối, cân đối kinh phí địa phương cấp cho hoạt động công tác gia đình. Các mô hình điểm chưa được đầu tư kinh phí để xây dựng, phát huy vai trò điển hình, nhân rộng trong cộng đồng

           Các hoạt động xây dựng, củng cố hệ thông tin quản lý, thu thập số liệu về công tác gia đình còn yếu, cập nhật thông tin biến động về dân số, gia đình chưa kịp thời, nhất là nắm tình hình hộ gia đình di cư tự do đến địa phương làm ăn, sinh sống, một mặt do đội ngũ cộng tác viên về công tác gia đình ở cơ sở còn quá thiếu lại không chuyên trách.  

           Công tác phối hợp hoạt động của các ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, còn phân tán, hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình chưa nhiều, chưa thường xuyên và thật sự sâu rộng trong nhân dân

          Tổ chức, bộ máy làm công tác gia đình mới được củng cố từ năm 2009, chủ yếu từ bộ máy làm công tác văn hoá thông tin, nay kiêm thêm nhiệm vụ công tác gia đình nên còn nhiều bất cập, hoạt động hết sức khó khăn. Công tác quản lý nhà nước về Dân số, Gia đình và Trẻ em thiếu tập trung, chưa thật sự ổn định, nhất là ở cấp huyện…xã….

          Trong thời gian đến công tác xây dựng gia đình còn nhiều việc phải làm:

          Rà soát lại những nội dung và theo tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Các cấp uỷ bổ sung, xây dựng kế hoạch hành động để tiếp tục thực hiện tinh thần của Chỉ thị 49-CT/TW; đưa nội dung xây dựng gia đình thành một trong những tiêu chí thi đua để đánh giá công nhận danh hiệu tổ chức Đảng, phân loại đảng viên, cơ quan, đơn vị, gia đình đạt nếp sống văn hoá, văn minh. Cán bộ đảng viên phải thực sự nêu gương về công tác xây dựng gia đình.

        Tăng cường công tác thông tin truyền thông, giáo dục đến từng gia đình với nội dung, hình thức phù hợp cho từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng trong cộng đồng, nâng cao hiểu biết của mọi người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục Trẻ em… các chính sách về văn hoá- xã hội liên quan đến công tác gia đình. Tổ chức nhiều lực lượng, các biện pháp theo dõi, giám sát kịp thời phê phán, giáo dục những hành vi làm tổn thương hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng xấu trong cộng đồng, xã hội

         Bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, phát huy vai trò phối hợp liên tịch, liên ngành, các đoàn thể chính trị, sự đóng góp của toàn xã hội  cho công tác xây dựng gia đình. Đưa công tác này vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch hàng năm của ngành và địa phương.

         Củng cố, kiện toàn và ổn định hệ thống tổ chức bộ máy, bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình ở các cấp. Có kế hoạch  đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn hóa cán bộ chuyên trách để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành về công tác gia đình

         Tổ chức tổng kết đánh giá thực chất công tác xây dựng gia đình ở từng đơn vị, địa bàn dân cư kịp thời khen thưởng, biểu dương nhân rộng những điển hình tốt, những kinh nghiệm, mô hình hay về gìn giữ những gía trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; đánh giá công tác xây dựng gia đình cùng với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Các tin khác